Luật sư Võ Đan Mạch (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết trên Báo Phụ Nữ (Baophunuonline.net) vào ngày 25/12/2019 là tùy vào tính chất và hậu quả của hành vi mà người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử lý trách nhiệm hình sự, dân sự hay hành chính.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 584, Bộ luật Dân sự năm 2015, trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Do đó trường hợp bảng hiệu quảng cáo đổ sập gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng con người thì đơn vị sở hữu, quản lý phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, nếu sự cố xảy ra bất khả kháng và chủ thể chịu trách nhiệm đã xây dựng, lắp đặt bảng quảng cáo theo đúng quy định pháp luật thì theo Khoản 2, Điều 584, Bộ luật Dân sự năm 2015, đơn vị quản lý, sở hữu sẽ không phải bồi thường.
Trường hợp có căn cứ cho thấy chủ thể chịu trách nhiệm đã vi phạm các quy định tại Thông tư 04/2018/TT-BXD ngày 20 tháng 5 năm 2018 của Bộ xây dựng Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng và lắp đặt phương tiện quảng cáo ngoài trời thì đơn vị quản lý, sở hữu những bảng hiệu đó có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 60 Nghị định 158/2013/NĐ-CP.
Theo đó mức phạt tiền cao nhất lên tới 40 triệu đồng đối với hành vi xây dựng bảng quảng cáo đứng độc lập có diện tích một mặt từ 40 m2 trở lên mà không có giấy phép xây dựng công trình quảng cáo.